Chế độ ăn uống

Tác dụng của vị thuốc Đẳng sâm

Cây đẳng sâm hay còn gọi là phòng đảng sâm, lộ đảng sâm, rầy cáy, mần cáy, tên khoa học là Codonopsis pilosula (Franch) Nannf, họ hoa chuông. Đẳng sâm là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa

Cây đẳng sâm là một cây thuốc quý, dạng cây cỏ, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5-2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân cũ, thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi, lúc tươi màu trắng, sau khô thì rễ có màu vàng, có nếp nhăn. Thân mọc thành từng cụm vào mùa xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới màu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3-8cm, rộng 2-4cm. Hoa màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá.

Năm 1985 cây được đưa về Việt Nam nhân giống và trồng thử nghiệm để làm thuốc ở một số tỉnh miền núi như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kom Tum, Gia Lai.


Vị thuốc Đẳng sâm

Người dân thường thu hái đẳng sâm vào thời gian từ tháng 11 dương lịch. Lúc này tiết trời bắt đầu chuyển sang đông, cây rụng lá, toàn bộ dưỡng chất đều dồn vào rễ. Do vậy đây là thời điểm thu hoạch tốt nhất.

Rễ đẳng sâm khi thu hoạch về sẽ được rửa sạch, dải ra phơi khô và sau đó bó lại thành từng bó. Rễ có chứa các chất: Sucrose, Glucose, Inulin, Alcaloid, Scutellarein Glucoside.

Theo Đông y, đẳng sâm vị ngọt, tính bình, hơi ấm, quy vào 2 kinh phế, tỳ. Có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ chữa tỳ hư, ăn không tiêu. Ngoài ra, đẳng sâm còn có tác dụng bổ máu, tăng khả năng miễn dịch, dùng trong trường hợp cơ thể suy nhược, mệt mỏi.

Dưới đây là một số bài thuốc từ Đẳng sâm được Đông y áp dụng rộng rãi từ xa xưa:

1. Trị tiêu chảy, lỵ, khí bị hư, thoát giang: Đẳng sâm (sao với gạo) 8g, chích kỳ, bạch truật, nhục khấu tương, phục linh đều 6g, sơn dược (sao) 8g, thăng ma (nướng mật) 2,4g, chích thảo 2,8g, thêm 3 lát gừng rồi sắc uống hàng ngày.

2. Trị phế quản viêm mạn, lao phổi (phế khí âm hư): Đẳng sâm 12g, tang diệp 12g, thạch cao (sắc trước) 12g, mạch môn 12g, a giao 8g, hồ ma nhân 6g, hạnh nhân 6g, tỳ bà diệp (nướng mật) 6g, sắc lấy nước uống.

3. Trị khí hư phát nhiệt với cháo sâm kỳ đại táo: Sinh hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 30g, cam thảo 12g, gạo tẻ 100g, đại táo 10 quả. Sắc các dược liệu lấy nước, riêng gạo tẻ và đại táo nấu với nước sắc thành cháo. Chia 2 lần (sáng, chiều) ăn trong ngày.

4. Cháo đẳng sâm ý dĩ phục linh: Đẳng sâm 20g, ý dĩ 16g, phục linh 12g, gạo nếp 100g. Đẳng sâm, phục linh sắc lấy nước bỏ bã, nấu ý dĩ và gạo nếp thành cháo, ăn với muối hoặc đường… Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí huyết hư, cơ thể gầy yếu, mất sức, ăn kém, khát nước hoặc tiêu chảy lâu ngày, sa hậu môn trực tràng…

5. Thuốc bồi bổ cơ thể, điều trị thiếu máu, tỳ vị hư: Đẳng sâm 40g, ngưu tất 12g, mạch môn 12g, đương quy 12g, long nhãn 12g sắc uống trong ngày.

6. Trị huyết áp thấp: Đẳng sâm 16g, hoàng tinh 12g, nhục quế 10g, cam thảo 6g, đại táo 10 quả, sắc uống ngày 1 thang. 15 ngày là 1 liệu trình, dùng 1-2 liệu trình.

Kết quả có thể khác tùy theo cơ địa từng người

TTƯT Nguyễn Thị Hằng

TTƯT Nguyễn Thị Hằng là cố vấn y khoa tại Daitrang.net, website trực thuộc công ty Dược Phẩm Tâm Bình. Sống say mê với nghề và luôn tâm niệm "Y học cổ truyền là niềm đam mê của tôi", bà là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn về bệnh đại tràng và bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button